Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tuyên Quang: Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin cho Người có uy tín

Việt Hà - 15:26, 15/12/2023

Nhằm phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tổ chức nhiều đợt đi tham quan, học tập kinh nghiệm, các lớp tập huấn cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức pháp luật cho đội ngũ Người có uy tín. Thông qua đó, đội ngũ Người có uy tín đã có thêm thông tin, kiến thức, phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín ở Tuyên Quang
Hội nghị cung cấp thông tin cho Người có uy tín ở Tuyên Quang

Vận động từ cơ sở 

Vừa trở về sau buổi tập huấn thông tin do Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang tổ chức, bà Hứa Thị Xuân - Người có uy tín thôn Yên Cốc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa chia sẻ, dù đã ở độ tuổi 65, nhưng bản thân bà luôn cho rằng học tập không bao giờ là đủ. Qua các buổi tập huấn do chính quyền tổ chức bà lại được cập nhật kiến thức mới từ pháp luật, khoa học - kỹ thuật cho đến kiến thức về kinh tế. Ngoài những kiến thức được tập huấn, bà Xuân tiếp tục tự trau rồi thêm kiến thức, rồi vận động người dân cùng vươn lên thoát nghèo. 

Đến thăm gia đình bà Xuân, chúng tôi vui mừng chứng kiến ngôi nhà được xây khang trang, rộng rãi, sạch sẽ, cây trái sum suê 4 mùa. Chỉ tay về phía ao, bà Xuân bảo: Gia đình vừa đầu tư trên 300 triệu đồng để kiên cố hóa đường bê tông dẫn vào khu sản xuất; cải tạo, kiên cố hóa xung quanh bờ ao, hệ thống tạo ôxy, cấp và thoát nước... để nâng cao hiệu quả chăn nuôi cá.

Bà Xuân cho biết thêm, bà nguyên là giáo viên nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, bà được Nhân dân tín nhiệm bầu là Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hiện nay, bà cùng với chính quyền vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới và nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, bà đã tích cực vận động Nhân dân không chỉ thụ hưởng, mà còn phải chủ động tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.

Phát huy trách nhiệm nêu gương, bà bàn với chồng chuyển đổi diện tích đất sản xuất trồng các loại cây ăn quả; thâm canh, xen canh trồng các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà gồm 1,3 ha rừng; trên 100 gốc thanh long đỏ, 100 gốc bưởi, 70 gốc chanh tứ mùa, 50 gốc bưởi diễn; tre mai, tre bát độ. Hàng năm, bà Xuân còn thu được trên 1 tấn bí đỏ, cà pháo nhờ trồng xen vào diện tích chanh tứ mùa. Bên cạnh chăn nuôi cá, gia đình bà còn chăn nuôi lợn sinh sản để bán lợn giống, chăn nuôi gà. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình bà đạt lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.

Không riêng bà Xuân, thời gian qua, người dân thôn Bản Khẻ, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã rất quen thuộc với hình ảnh Người có uy tín Hoàng Văn Tại khi ông luôn tích cực vận động người dân chuyển đổi sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Ông Tại chia sẻ, từ khi được bầu là Người có uy tín, bản thân ông luôn chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, kiến thức mới trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để hướng dẫn, chia sẻ với bà con. Đặc biệt, ông rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, đi tham quan mô hình kinh tế do chính quyền địa phương tổ chức. Nhờ đó ông đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm để phổ biến, hỗ trợ người dân tại thôn Bản Khẻ. 

Với những kiến thức, thông tin được cung cấp, ông Tại đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi. Đặc biệt, trong 8 năm qua, nhờ tích lũy được chút vốn, ông đã chủ động hỗ trợ cho hàng chục lượt hộ đồng bào Mông ở khu dân cư Đông Đăm vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi và buôn bán trâu, bò. Mỗi hộ trung bình được vay từ 50 - 70 triệu đồng; tổng nguồn vốn khoảng 600 triệu đồng.

Đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ

Từ trước năm 2013, tình trạng đói, đứt bữa, tồn tại ở Bản Khẻ chiếm đến trên 80%. Nguyên nhân là do các hộ dân còn nghèo, không có tiền mua phân bón cho cây lúa, ruộng bỏ không nhiều. Trước tình trạng đó, 10 năm qua, ông Tại đã bỏ tiền mua phân lót, phân NPK, phân đạm để ứng trước cho bà con trồng lúa. 1 năm 2 vụ lúa, ông Tại ứng khoảng từ 16 - 18 tấn phân các loại, trị giá khoảng 120 triệu. Người dân trả góp tiền phân bón cho ông sau thu hoạch lúa. Nhờ sự hỗ trợ của ông, 100% diện tích đất lúa của thôn thường xuyên được canh tác, sản lượng đạt trên 140 tấn/năm; tỷ lệ hộ bị đói, đứt bữa đã giảm đáng kể. 

Nhiều người dân vùng đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế- xóa đói giảm nghèo nhờ vai trò vận động của đội ngũ người có uy tín
Nhiều người dân vùng đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế- xóa đói giảm nghèo nhờ vai trò vận động của đội ngũ Người có uy tín

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2021 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 18 hội nghị cung cấp thông tin cho trên 1.440 lượt Người có uy tín về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thông tin về triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác dân vận trong đồng bào DTTS; phổ biến giáo dục pháp luật; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân trong vùng đồng bào DTTS và miền núi... 

Đánh giá về hiệu quả của các lớp tập huấn cho Người có uy tín, ông Ma Quang Hiếu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: Thông qua lớp tập huấn đã giúp cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS được nghe các báo cáo viên của Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành liên quan trao đổi các chuyên đề mang tính khái quát chung. Từ đó hỗ trợ Người có uy tín sau khi trở về địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, trở thành tấm gương sáng, tiêu biểu trong công tác vận động quần chúng Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại địa phương.

Đặc biệt, với những kiến thức, thông tin được tập huấn, Người có uy tín sẽ hướng dẫn đồng bào DTTS tích cực phát triển sản xuất, nhằm từng bước giảm nghèo, đồng thời vận động người dân đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Qua đó, góp phần tăng cường củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và chính quyền, phòng chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục, bảo đảm trật tự xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương...

Tin cùng chuyên mục