Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Thái Nguyên: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS

Hoàng Minh - 06:15, 09/11/2023

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những nội dung, thuộc Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển-kinh tế cùng DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), đang được ngành y tế tỉnh tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, với mục tiêu nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ.

Đội ngũ công tác viên dân số miệt mài đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng
Đội ngũ công tác viên dân số miệt mài đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Phát huy vai trò đội ngũ công tác viên dân số

Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người DTTS, chiếm gần 30% dân số, sinh sống chủ yếu ở 110 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, việc thực hiện hiệu quả những nội dung của Dự án 7, trong đó có nội dung nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở được tỉnh chú trọng nhằm ngăn chặn những tập tục, hủ tục, những thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số. 

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định, vai trò của đội ngũ dân số ở cơ sở hết sức quan trọng, đặc biệt là cộng tác viên dân số thôn bản. Đây là lực lượng miệt mài đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện ngăn chặn hủ tục, tuyên truyền về tác hại cũng như cách phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.

Như câu chuyện ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), tình trạng tảo hôn đã từng trở thành rào cản trong việc nâng cao chất lượng dân số ở địa phương này. Xong từ những chính sách thiết thực, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của lực lượng cộng tác viên thôn bản, bức tranh về chất lượng dân số ở xã nghèo này đã có nhiều khởi sắc.

Chị Vi Thị Định, cộng tác viên dân số xóm Liên Phương, xã Văn Lăng chia sẻ: Trước đây, tình trạng tảo hôn còn nhiều lắm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Nhà nước có nhiều  chính sách hỗ trợ để cải thiện cuộc sống cho người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác tuyên truyền, vận động được thường xuyên được triển khai đến từng thôn, xóm, hộ dân nên bà con cũng dần hiểu hơn về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết mà tự giác chấp hành không vi phạm.

Theo chị Định, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn đối với cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm y tế cấp huyện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở, đội ngũ cộng tác viên dân số, qua đó đội ngũ đã được bổ sung, nắm bắt được thêm nhiều kiến thức, thông tin để nâng cao chất lượng tuyên truyền vận động để người dân nhận thức được tầm quan trọng trong việc quan tâm đến sức khỏe gia đình, bản thân...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thái Nguyên tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đều giảm; tuổi thọ bình quân của người dân tăng cao và cao hơn các tỉnh trong khu vực.

Để thực hiện các nội dung về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình MTQG 1719, Trung tâm Y tế đã phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tổ chức các hoạt động truyền thông.

Khám bệnh cho người dân xã vùng cao Hợp Tiến (Đồng Hỷ)
Khám bệnh miễn phí cho người dân xã vùng cao Hợp Tiến (Đồng Hỷ)

Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đồng Hỷ cho biết, đơn vị đã có những kế hoạch rất cụ thể và chi tiết để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phối hợp với các đơn vị, phòng, ban ngành của huyện để xác định làm việc gì trước, việc gì sau.

“Chúng tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng dân số, không chỉ có ngành Y tế, mà còn có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để người dân được tiếp cận các dịch vụ, cũng như kiến thức về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình...từ đó dẫn đến sự thay đổi hành vi mới nhanh và hiệu quả cao hơn”, ông Thu nhấn mạnh.

Thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Dự án 7 Chương trình MTQG 1719, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 25% nam, nữ tại các địa bàn vùng DTTS khám sức khỏe tiền hôn nhân; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 30% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. 

Ngoài ra, tỉnh phấn đấu, ít nhất 35% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; mỗi năm có 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh và duy trì đội ngũ cán bộ ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền, phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra giám sát; bài học kinh nghiệm cũng cần đưa ra là, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ sở để triển khai công tác này hiệu quả hơn.