Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng cao từ Dự án 8 Chương trình MTQG 1719

Hà Anh - 06:41, 30/11/2023

Thời gian qua, việc triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã góp phần tạo cơ hội, môi trường cho phụ nữ DTTS vùng cao tỉnh Hà Giang tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội LHPN xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc ra mắt Tổ tuyên truyền cộng đồng tại thôn Cờ Lẳng
Hội LHPN xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc ra mắt Tổ tuyên truyền cộng đồng tại thôn Cờ Lẳng

Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 1: 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719), Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với chính quyền 19 xã, thị trấn thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng.

Đến nay, toàn huyện đã thành lập được hơn 400 Tổ truyền thông cộng đồng, tuyên truyền được trên 1.000 buổi tại các thôn, bản. Nội dung tuyên truyền tập trung trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và Người có uy tín trong cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị…

Ngoài ra, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn còn linh động tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, nhóm Zalo, Facebook… Thông qua các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, đặc biệt là phụ nữ DTTS.

Hội LHPN thị trấn Mèo Vạc tổ chức hội thi “Tìm kiếm giải pháp xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”
Hội LHPN thị trấn Mèo Vạc tổ chức hội thi “Tìm kiếm giải pháp xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

Với sự chủ động triển khai một cách đồng bộ, nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa tại cơ sở, các nội dung của Dự án 8 đã và đang đi vào thực chất, mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ vùng cao trên địa bàn huyện Đồng Văn trong đời sống hiện nay.

Tương tự, tại huyện Vị Xuyên, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã được huyện tiến hành triển khai tại 13 xã và 124 thôn bản.

Trong 9 tháng năm 2023 toàn huyện tổ chức được 12 chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em; hơn 30 lớp tập huấn hướng dẫn đối thoại chính sách cho cán bộ xã, thôn bản; tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tập huấn hướng dẫn điều tra, khảo sát thống kê hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho các Tổ truyền thông cộng đồng tại các xã vùng Dự án; tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá Dự án 8 và thực hiện bình đẳng giới…. với trên 1.400 người tham gia.

Các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ được triển khai hiệu quả tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ được triển khai hiệu quả tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Huyện cũng thành lập 123 Tổ truyền thông cộng đồng với 844 thành viên tham gia và thành lập 14 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 395 thành viên tham gia. Duy trì và nâng cao chất lượng 13 mô hình địa chỉ tin cậy; Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em…

Không chỉ riêng Đồng Văn và Vị Xuyên, tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng đồng loạt triển khai thực hiện Dự án 8 Chương trình MTQG 1719. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết nhiều khó khăn đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn tại các địa phương. Sau một thời gian triển khai thực hiện, Dự án đã mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở 13 xã vùng Dự án trên địa bàn huyện Vị Xuyên…

Ghi nhận tại thôn Quý Quân, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang, chị Đặng Thị Hồi, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quý Quân cho biết: Các chị em phụ nữ trong thôn, trong xã thường xuyên cùng nhau chia sẻ kiến thức chăm sóc con cái. Việc làm này đã được thực hiện từ lâu, tuy nhiên từ khi thực hiện Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thì hoạt động này lại càng được quan tâm hơn…

Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì đã có sáng kiến in trên quạt những nội dung tuyên truyền do Hội chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em để phát cho đồng bào ở chợ phiên
Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì đã có sáng kiến in trên quạt những nội dung tuyên truyền do Hội chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em để phát cho đồng bào ở chợ phiên

Đánh giá về kết quả triển khai Dự án 8 Chương trình MTQG 1719, Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết: Triển khai Dự án 8, chúng tôi đã thành lập Ban Quản lý thực hiện Dự án để tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang triển khai các hoạt động của Dự án 8 trên địa bàn toàn tỉnh; căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Trung ương, các ngành để hướng dẫn cho các cấp Hội Phụ nữ cơ sở theo từng năm. Đồng thời trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn, hoạt động đối thoại với cán bộ hội viên phụ nữ.

Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động của Dự án, như: xây dựng và nhân rộng các mô hình, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm". Công tác này đã góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục lạc hậu; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện…

Những hoạt động thuộc Dự án 8 đã góp phần tạo môi trường cho những phụ nữ DTTS thêm cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng.
Những hoạt động thuộc Dự án 8 đã góp phần tạo môi trường cho những phụ nữ DTTS thêm cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng.

Tính đến nay, Hội đã tổ chức được hơn 40 lớp hướng dẫn vận hành Tổ truyền thông cộng đồng. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện tổ chức các hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình…

Có thể nói, những hoạt động thuộc Dự án 8 đã góp phần tạo môi trường cho phụ nữ nông thôn vùng cao thêm cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em gái ở vùng đồng bào DTTS Hà Giang.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.