Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người có uy tín với cộng đồng

Chuyện về già làng Kra Jăn Ha Xuyên ở Đạ M’Rông

Gia Bảo - Ngọc Ánh - 08:02, 16/12/2023

Nhiều năm qua, Người có uy tín, già làng Kra Jăn Ha Xuyên luôn gương mẫu đi đầu trong công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, ông còn là người làm kinh tế giỏi, được bà con tin tưởng, kính trọng.

Già làng Kra Jăn Ha Xuyên chia sẻ về quãng thời gian lầm lạc và trở về phát triển kinh tế gia đình.
Già làng Kra Jăn Ha Xuyên chia sẻ về quãng thời gian lầm lạc và trở về phát triển kinh tế gia đình.

Ám ảnh những tháng ngày lầm lỡ

Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà khang trang, đẹp đẽ tại thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, già làng Kra Jăn Ha Xuyên (73 tuổi) không chút ngần ngại kể về quãng thời gian đen tối nhất của cuộc đời mình. Ông kể lại rằng, thời đó ông là một giáo viên tiểu học dạy trường làng. Sau đó, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo gia nhập tổ chức Fulro.

Để thuyết phục ông, bọn chúng đã theo bám ông từ trường học, về nhà và cả khi ông lên rẫy. “Họ hứa hẹn khi gia nhập tổ chức Fulro sẽ cho chức vụ cao, sau chiến thắng chống phá Nhà nước sẽ cho tôi ra nước ngoài sinh sống, cung cấp tiền bạc, vật chất dư dả,...”, ông Ha Xuyên chia sẻ.

Tin vào lời đường mật của kẻ xấu, mặc dù gia đình khuyên can, năm 1975, Kra Jăn Ha Xuyên đã bỏ nhà đi rồi gia nhập tổ chức phản động Fulro, ông được phong cấp bậc trung tá, từng giữ các chức vụ cao trong lực lượng và phụ trách địa bàn Lâm Đồng.

Theo già làng người Cil (nhóm địa phương dân tộc Cơ Ho), chức vụ, cấp bậc đầy mình nhưng không có đồng lương, phụ cấp nào và phải sống chui lủi trong rừng, bắt cá, đào củ mài, hái lá cây ăn để sống qua ngày. Chòi cũng được dựng tạm bợ bằng cỏ cây, nhiều lúc đói quá đành lén vào vườn, rẫy của người dân bẻ bắp, tuốt lúa, hái cây thuốc để quấn thành điếu hút tạm cho đỡ cơn thèm.

Những tháng ngày tham gia tổ chức Fulro, Ha Xuyên còn bị đưa sang tỉnh Đắk Lắk rồi qua Campuchia. Nhiều lần chứng kiến cảnh băng nhóm Fulro cướp bóc, bức hại người dân, nhưng để quay về là rất khó, vì một mặt bọn chúng luôn theo sát, một mặt sợ xấu hổ với buôn làng, sợ bị trả thù.

Được chính quyền kêu gọi, vận động trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng, biết mình đã chọn sai đường khi đi theo Fulro. Thế rồi, cuối năm 1986, ông cùng 7 người khác quyết định từ bỏ tổ chức, rời khu vực rừng núi để về đầu thú. Băng rừng, lội suối cả tháng trời, cuối cùng nhóm bỏ trốn của ông Ha Xuyên đã đặt chân đến khu vực núi Langbiang, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi liên lạc với chính quyền địa phương, nhóm ông được đoàn cán bộ tỉnh Lâm Đồng đưa ô tô đến điểm hẹn tại xã Đưng K’Nớ đón về. “Trên đường ra đầu thú, chúng tôi đã nghĩ tới việc sẽ bị đánh đập, hành hạ thể xác, bị phân biệt đối xử thậm tệ. Nhưng không! các cán bộ ân cần hỏi han, động viên từng người, tối đó còn mổ lợn, khui ché rượu cần chúc mừng những người rời bỏ tổ chức phản động trở về buôn làng an toàn. Đó là một đặc ân của chính quyền, của lực lượng Công an dành cho những người tội lỗi như tôi”, ông Kra Jăn Ha Xuyên xúc động nói.

Trở về xây dựng quê hương

Được về với gia đình và buôn làng, ông Kra Jăn Ha Xuyên đã chăm chỉ, tập trung phát triển kinh tế. Tiếp đó, ông được bầu làm cán bộ mặt trận rồi cán bộ thuỷ nông huyện Đam Rông, giữ chức Đội trưởng Đội Thủy nông phụ trách địa bàn 3 xã: Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’Rông từ năm 1990 đến năm 2014 mới nghỉ hưu.

Thời điểm này, ông được mệnh danh là “vua thủy lợi” với dấu ấn trên nhiều công trình tưới tiêu cho Đam Rông, vùng đất đầy nắng, gió khắc nghiệt của vùng Nam Tây Nguyên. Dù trên cương vị nào, Ha Xuyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng nghiệp quý mến.

Tuy chiến tranh đã đi qua nhưng âm mưu của các thế lực thù địch vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ trên các mặt trận chính trị, tôn giáo, văn hóa,... Với vai trò là Người có uy tín, già làng Ha Xuyên luôn tích cực, vận động bà con trong làng không nghe lời xúi giục của kẻ thù, đoàn kết xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái tham gia xây dựng nông thôn ngày càng vững mạnh. Đồng thời, vợ chồng ông cũng sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, buôn.

Già Hà Xuyên (người thứ hai từ phải qua) thăm trang trại trồng dâu nuôi tằm của con gái mình.
Già Hà Xuyên (người thứ hai từ phải qua) thăm trang trại trồng dâu nuôi tằm của con gái mình.

Với những thành tích kể trên, nhiều năm liền, ông Ha Xuyên được tặng hàng chục Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương của các cấp ngành từ Trung ương tới địa phương.

Trong ánh mắt đượm buồn, già Ha Xuyên nói: “Nếu không nghe bọn xấu, không phải mất đi hơn 10 năm hoang phí theo Fulro, cuộc sống gia đình tôi sẽ khác hơn, nhà cửa còn đàng hoàng hơn”. Tuy nhiên, giờ đây niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng già Ha Xuyên là đã giáo dục, chăm lo cho 3 người con học hành đầy đủ, có công việc ổn định. Hiện 2 cháu đang công tác ở UBND xã và Trạm Y tế xã Đạ M’Rông, một cháu tiên phong dựng trang trại trồng dâu nuôi tằm. Nhờ đó đem lại cho thu nhập cao và ổn định cuộc sống.

Theo UBND huyện Đam Rông, ông Ha Xuyên luôn đi đầu trong việc thay đổi giống cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Những già làng như Kra Jăn Ha Xuyên là nhân tố quan trọng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế tại vùng đất Đam Rông còn nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.