Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Xuân biên giới

Nguyễn Thanh - 04:28, 27/01/2024

Khi những cánh đào bung sớm khoe sắc, những bông lau trắng muốt bên sườn đồi trong bảng lảng sương mai se sắt… chúng tôi ngược ngàn lên với các bản làng biên cương xứ Nghệ. Trong rộn rã, tươi vui của cuộc sống mới trên từng bản làng, hiện rõ sự nỗ lực, vượt khó của bà con dân bản, sự đồng hành, quan tâm của cả hệ thống chính trị.

Đơi sống của đồng bào các DTTS miền tây Nghệ An đang ngày một đổi thay - Trong ảnh: Đồng bào các DTTS Kỳ Sơn vui hội Pu Nhạ Thầu
Đời sống của đồng bào các DTTS miền tây Nghệ An đang ngày một đổi thay - Trong ảnh: Đồng bào các DTTS Kỳ Sơn vui hội Pu Nhạ Thầu

Bản làng no ấm

Quốc lộ 7A nối miền xuôi với các huyện vùng Tây Nam của tỉnh Nghệ An dịp này đông đúc, nhộn nhịp khác thường. Xe chở hàng từ miền ngược đổ về xuôi nườm nượp, mang theo hương sắc biên cương với những cuộn lá dong, cây giang, cành đào...

Trong dòng người hối hả ấy, tôi chợt nhớ đến lời Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng đã nói hôm nào: Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm gần 5% đấy, từ 54,36% năm 2022 chỉ còn 49,68% thôi.

Trong niềm hứng khởi ấy, vị Chủ tịch chia sẻ thêm: Đã có nhiều mô hình sinh kế được đưa vào phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập ổn định cho bà con, như trồng đào, lạc, chuối, bo bo, chăn nuôi trâu bò…

Nhìn từ xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) là một ví dụ như thế. Đây là vùng đất sinh sống của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, với 17/19 bản là người Mông. Tận dụng lợi thế đất rừng tự nhiên rộng lớn, chính quyền địa phương xã Na Ngoi đã vận động bà con phát triển các loại cây dược liệu, cây đào kết hợp nuôi trâu, bò, gà đen để tăng thêm thu nhập. 

Một số gia đình như Xồng Bá Lẩu, Trưởng bản Buộc Mú, đã khởi nghiệp thành công bằng việc mua thêm đất rẫy để trồng hơn 1.000 gốc đào cảnh, cùng rẫy gừng 1,5 ha kết hợp chăn nuôi hàng chục con trâu, bò. Dịp này, toàn bộ diện tích trồng đào của anh Lẩu đã có nụ, chờ bung nở. Chỉ ít ngày nữa thôi, những cành đào ấy sẽ rời núi về xuôi, tô điểm thêm cho bức tranh tết ở đồng bằng, phố thị.

Rồi ở vùng Hữu Kiệm, một xã nằm kề liền thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), cũng đã được người dân tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ để đưa chuối hột rừng và chuối sứ về thuần hóa, phát triển chuối thành cây trồng có hiệu quả cao. Tổ hợp tác trồng chuối ở xã Hữu Kiệm đang sở hữu 30ha chuối theo hướng hàng hóa. Những nương chuối bạt ngàn ở Hữu Kiệm cho thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày từ việc bán chuối, bán cây chuối giống, lá chuối, bắp chuối…

Một góc thị trấn huyện Quế Phong hôm nay - ảnh CTV
Một góc thị trấn huyện Quế Phong hôm nay - ảnh CTV

Rời huyện 30a Kỳ Sơn, chúng tôi ngược Quốc lộ 16 trở ra huyện Quế Phong. Vùng đất cực Tây Bắc xứ Nghệ cũng đang có những mùa vui để bản làng no ấm, bình yên hơn. Nếu như Kỳ Sơn còn có cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào, thì Quế Phong gần như “ngõ cụt” do cửa khẩu phụ Thông Thụ chưa phát triển. 

Dẫu vậy thì đồng bào các DTTS nơi đây chưa bao giờ thôi cố gắng. Cứ nhìn vào tỷ lệ hộ nghèo giảm qua hàng năm là rõ. Năm 2023, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và quyết tâm của mỗi người dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 5,29% xuống còn 34,84% vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh và huyện giao.

Tận dụng ưu thế mặt nước thủy điện, bà con các bản làng ở xã Thông Thụ (Quế Phong) đã tổ chức nuôi thả cá lồng bè kết hợp trồng và khoanh nuôi rừng. Bà Lương Thị Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Thông Thụ vui vẻ: Diện tích trồng mét qua nửa nhiệm kỳ đạt 90,2/40ha vượt 225% so với chỉ tiêu Nghị Quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Diện tích nuôi trồng thủy sản cũng ngày càng được mở rộng với 19 ha, sản lượng nuôi trồng ước đạt 47 tấn, tăng 2,62% so với năm 2020; số lồng nuôi cá bè 227 lồng đem lại mức thu nhập ổn định cho người dân các bản vùng lòng hồ.

Năm 2023, Nghệ An là một trong những tỉnh vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trên 7%, cao hơn trung bình cả nước. Chẳng thế mà tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023, Trưởng Ban Dân tộc Nghệ An Vi Văn Sơn đã khẳng định rằng: Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian qua đã có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Điều đặc biệt, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng gói bánh chưng đón tết sớm
Cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng gói bánh chưng đón tết sớm

Giữ bình yên nơi biên giới

Trong chuyến công tác tới vùng biên viễn xứ Nghệ, chúng tôi đã có dịp ghé thăm một số Đồn Biên phòng: Đồn biên phòng Ngọc Lâm (Thanh Chương), Đồn biên phòng Môn Sơn (Con Cuông), Đồn biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ở nơi xa xôi cách trở này, dường như nhịp thời gian sớm hơn một chút, khu vực núi cao nhiệt độ giảm sâu, lạnh buốt giá. 

Bận chiếc áo bông, Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Lâm cho biết: Mùa đông lạnh lắm, rất thương cán bộ chiến sĩ trực tết làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã tổ chức gói bánh chưng, trang trí doanh trại bằng những cành đào và tổ chức tết sớm rất chu đáo để anh em yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới.

Đồn Biên phòng Ngọc Lâm quản lý địa bàn các xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn (Thanh Chương), Phúc Sơn (Anh Sơn). Đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với nhiều đường mòn, lối mở tiềm ẩn nhiều phúc tạp về buôn lậu, hàng cấm, buôn bán ma túy… Vì thế, nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm trở nên nặng nề hơn trong thời khắc tết đến, xuân sang.

Với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn), những ngày cận tết càng căng thẳng hơn. Lưu lượng người và hàng hóa thông quan qua cửa khẩu tăng; chưa kể 29km đường biên với 9 cột mốc thuộc 2 xã Nậm Cắn và Tà Cạ do Đồn phụ trách có nhiều đường mòn lối mở… rất phức tạp.

Tăng cường tuần tra những ngày tết đến xuân sang - ảnh CTV
Tăng cường tuần tra những ngày tết đến xuân sang - ảnh CTV

Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nậm Cắn Nguyễn Văn Anh tâm sự: Những cán bộ, chiến sĩ trực tết được lệnh ăn tết sớm hơn để dành thời gian trực tết, làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác. Công tác đảm bảo an ninh biên giới đã được đồn lên “dây cót” từ rất sớm. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Cắn còn có kế hoạch phối hợp với bà con dân bản tuần tra kiểm soát, kết hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, gìn giữ bình yên khu vực biên giới.

Dọc theo đường biên giới thuộc địa bàn của các Đồn quản lý là các lán trại dã chiến được dựng lên như là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Mặc mưa rét, gió lạnh và những khó khăn, thiếu thốn khác… nhưng vì nhiệm vụ, các anh vẫn vững đôi chân, nắm chặt tay súng ngày đêm canh gác.

 Với mỗi người lính biên thùy, đón tết trên điểm chốt, đón tết trên vọng gác… đã là chuyện mà khi đã chấp nhận theo bước chân “người lính cụ Hồ” thì phải chấp nhận, nhưng đó là sự chấp nhận quá đỗi tự hào. Vào thời khắc thiêng liêng khi đất trời sang xuân, có biết bao bâng khuâng, diết da nỗi nhớ người thân, nỗi nhớ gia đình và quê hương… nhưng tất cả đã vội qua nhanh để nhường chỗ cho một suy nghĩ, một mệnh lệnh duy nhất: vững tay súng vì sự bình yên của Tổ quốc./.

Tin cùng chuyên mục
Vị Xuyên hôm nay...

Vị Xuyên hôm nay...

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành một điểm nóng ác liệt. Ở đây, những câu chuyện về sự hi sinh của người lính đã trở thành một bản anh hùng ca bất diệt. Và sự “thay da đổi thịt” ở mảnh đất này ngày hôm nay làm càng tôn lên giá trị của hòa bình, mang theo đó là những ước vọng nơi biên cương Tổ quốc.