Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đắk Lắk: Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thông qua công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các DTTS

Khánh Sơn - 06:49, 30/11/2023

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, vận đồng người dân bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các nghệ nhân, già làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk góp công lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS
Các nghệ nhân, già làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk góp công lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS

Buôn Kna B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, có hơn 90% đồng bào dân tộc Ê đê sinh sống. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân trong buôn luôn có ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Già làng Y Băk chính là một trong những người có công rất lớn trong việc giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Ê Đê. Tại căn nhà của gia đình ông hiện trưng bày rất nhiều nhạc cụ truyền thống có chất liệu từ tre nứa.

Theo già làng chia sẻ, để khơi dậy tinh thần tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc trong giới trẻ của buôn, ông đã cùng ban tự quản buôn đến từng nhà vận động các bậc phụ huynh cho con em mình học chơi nhạc cụ truyền thống và chia sẻ kinh nghiệm chế tác nhạc cụ. Đặc biệt, buôn Kna B đã thành lập được hai đội nhạc cụ truyền thống, mỗi đội gồm 6 thành viên, từ 9 - 20 tuổi. Để các em tiếp thu tốt, già Y Băk đã dày công dạy mỗi em sử dụng một loại nhạc cụ, để có thể hòa tấu cùng với nhau.

Từ những nỗ lực, cố gắng của các già làng, người có uy tín cũng như sự động viên của chính quyền địa phương, người dân buôn Kna B dần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Hiện nay, buôn Kna B còn giữ gìn được 26 ngôi nhà dài, tổ dệt thổ cẩm gồm 6 thành viên và hai đội đánh nhạc cụ dân tộc.

Già làng Y Băk luôn miệt mài với việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê
Già làng Y Băk luôn miệt mài với việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê

Bà Phạm Thị Tiềm, Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết: Những năm qua, ngoài việc quan tâm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, xã cũng chú trọng việc vận động người dân nâng cao ý thức, trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, đặc biệt là dân tộc Ê Đê. Thời gian tới, xã sẽ dành một phần kinh phí để duy trì, tổ chức, phục dụng lại lễ hội cúng bến nước của người Ê Đê. Việc phát huy các giá trị văn hoá truyền thống hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với địa phương, qua đó tạo sinh kế giúp đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo bền vững.

Hay câu chuyện về nghệ nhân Y Bhiông Niê, sinh ra ở buôn Tlan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (hiện đang sống ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cũng là một tấm gương sáng truyền cảm hứng cho người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS.

Nghệ nhân Y Bhiông Niê chia sẻ, khả năng sử dụng, chế tác các nhạc cụ truyền thống của ông vốn được kế thừa từ người cha quá cố làm thầy cúng. Đó thực sự là một thứ tài sản vô giá mà ông được thừa hưởng. Hiện nay, ông Y Bhiông Niê có thể sử dụng và chế tác nhiều nhạc cụ khác nhau như: Ching kram, đing buốt chóc, đing túk, đing ring, ting, ky pắ và prố…

Với khả năng diễn tấu cũng như thuộc rất nhiều bài chiêng cổ của đồng bào Ê Đê nên từ mấy chục năm trước, Nghệ nhân Y Bhiông Niê thường xuyên tham gia biểu diễn tại nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, ông Y Bhiông Niê tích cực đứng lớp truyền dạy diễn tấu chiêng, chế tác ching kram cho thế hệ trẻ ở nhiều buôn làng của tỉnh Đắk Lắk.

Có thể nói những người như già làng Y Băk, nghệ nhân Y Bhiông Niê đã thực sự trở thành hạt nhân tiên phong trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch ở Đắk Lắk cho hôm nay và cả mai sau.

Tỉnh Đắk Lắk xác định, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào DTTS trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tỉnh Đắk Lắk xác định, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá của đồng bào DTTS trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn.

Cụ thể, như việc mở các lớp truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và tổ chức hoạt động các mô hình điểm về phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch cộng đồng hay phát huy vai trò chủ thể di sản, thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn di sản trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội…

Trong năm 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động liên quan. Đơn cử như tập huấn, truyền dạy về văn hóa phi vật thể tại buôn làng, phục dựng một số nghi lễ truyền thống của đồng bào Êđê, M'nông, Mường; triển khai nội dung liên quan hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đệ trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; triển khai các nội dung thuộc Dự án 6 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh…

Tỉnh Đắc Lắk xác định mục tiêu là phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch. Bởi đây là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, đồng thời còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương nói riêng và của toàn vùng Tây Nguyên nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Bước tiến mới của lĩnh vực công tác dân tộc: Đột phá về tư duy làm chính sách (Bài 3)

Bước tiến mới của lĩnh vực công tác dân tộc: Đột phá về tư duy làm chính sách (Bài 3)

Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với những đột phá về tư duy làm chính sách, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, vừa đúng 1 năm sau khi có Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018. Điều này cho thấy, sự thống nhất và tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.