Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Chuyện về người La Hủ nơi cuối trời Tây Bắc: Cuộc sống dưới chân núi Pu Si Lung (Bài 1)

Thúy Hồng - 13:17, 07/12/2023

Dân tộc La Hủ là một trong 4 dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu. Trước đây, đồng bào chủ yếu sống du canh, du cư, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, người dân đã biết phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đường vào bản Pha Bu, xã Pa Ủ đã được trải bê tông cho bà con đi lại thuận tiện
Đường vào bản Pha Bu, xã Pa Ủ đã được trải bê tông cho bà con đi lại thuận tiện

Hành trình xuống núi

Pa Ủ là xã có trên 98% đồng bào La Hủ sinh sống. Toàn xã Pa Ủ có 870 hộ, trên 3.700 nhân khẩu. Nơi đây từng được biết đến là vùng lõi nghèo và lạc hậu; có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 95%. Trước đây đồng bào La Hủ mới di cư từ Pa Vệ Sử sang sinh sống ở các bản Hà Xi, Ứ Ma, Nhú Ma, Thăm Pa, Chà Kế. Nhưng do tập quán di cư, đồng bào La Hủ thường xuyên di chuyển từ khu đất này sang khu đất khác.

Để vào được Pa Ủ chúng tôi phải vượt qua quãng đường đèo chênh vênh, một bên vực sâu, một bên núi cao dựng đứng. Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy BĐBP tỉnh Lai Châu, đi cùng chúng tôi, bảo: Bây giờ đường sá đã dễ đi hơn nhiều. Trước đây, để vào đây chỉ có cách duy nhất là... cuốc bộ.

Trước đây, người La Hủ thường có tập quán du canh, du cư, cuộc sống không ổn định, khó khăn. Từ ngày được sự quan tâm của Nhà nước, cùng sự tuyên truyền, vận động, giúp định canh, định cư và hướng dẫn triển khai các mô hình kinh tế mới của lực lượng bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay, phát triển.

Từ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Quyết định 1672 ngày 26/9/2011 phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng, Cống, Ha Hủ, Cờ Lao”, do Ban Dân tộc Lai Châu phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện đã đưa bà con về ổn cư ở các bản làng. “Từ tập quán du canh, du cư, đến nay, đồng bào đã quần tụ theo các bản làng. Nhiều người La Hủ đã không còn đói, dần thoát nghèo, có người đã trở nên khá giả, có của ăn của để”, ông Đao Văn Thức cho biết.

Anh Pờ Lò Hừ, Trưởng bản Pha Bu chia sẻ: Từ năm 2014, sau nhiều lần được bộ đội Biên phòng vận động, gia đình anh cùng bà con đã từ bỏ cuộc sống du canh, du cư để định cư tại bản mới Pha Bu.

Trưởng bản Pờ Lò Hừ trao đổi với bộ đội biên phòng về tình hình trong thôn
Trưởng bản Pờ Lò Hừ trao đổi với cán bộ Biên phòng về tình hình trong thôn

Không chỉ giúp đồng bào dựng nhà, Bộ đội Biên phòng Pa Ủ còn dành thời gian cùng ăn, cùng ở với bà con, giúp xẻ gỗ, làm nhà, hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... nhờ đó mà nhận thức của đồng bào La Hủ cũng từng bước được nâng lên.

Pa Ủ giờ đây đã đổi khác. Những ngôi nhà mới khang trang hiện diện ở Pa Ủ ngày một nhiều, thay thế những căn nhà cũ nát trước đây, từng nương ngô, vạt lúa, đồi cây ăn quả lên xanh ngát...

Ông Đao Văn Thức, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ cho biết: Những năm qua, từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của bộ đội biên phòng không chỉ giúp người La Hủ ổn định cuộc sống mà quan trọng hơn là đã tạo bước ngoặt về nhận thức của đồng bào. Từ một dân tộc đứng trước nguy cơ phải cứu trợ, bảo tồn khẩn cấp vì bà con sống du canh, du cư, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, đến nay, người dân đã biết làm theo các mô hình phát triển kinh tế, nhiều hộ đã có "của ăn của để" và vươn lên làm giàu.

Bản làng thay “áo mới”

Bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Đường lên Sín Chải B ngược lên núi Pu Si Lung cao trên 3.000m so với mực nước biển, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Khoảng 20 năm trước, đồng bào La Hủ vẫn quen cuộc sống du canh, du cư, quanh năm chỉ có 2 mùa no đói. Thế rồi, năm 1997, Nhà nước đã đầu tư đưa 33 hộ đồng bào sống tản mát trong vùng rừng về lập nên bản Sín Chải B. Lập bản mới, Nhà nước lại đầu tư cho dân khai phá hơn 10 ha ruộng bậc thang trồng lúa, bà con đã không còn du canh, du cư nữa. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào La Hủ vẫn còn rất khó khăn.

Chứng kiến bà con dân bản quanh năm đói nghèo, chàng thanh niên Pờ Và Hừ- Trưởng bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè luôn thôi thúc anh tìm cách cách làm giàu.

Người dân La Hủ đã biết trồng sâm để làm giàu
Nhiều hộ gia đình đồng bào La Hủ trồng dược liệu quý để làm giàu ( Trong ảnh: Kiểm tra vườn sâm)

Nhận thấy địa phương là vùng phân bổ tự nhiên của cây sâm Lai Châu, loại cây bà con vẫn quen gọi là cây tam thất mang lại giá trị kinh tế cao, chàng thanh niên Pờ Và Hừ quyết định mày mò, tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây sâm này.

 Nắm được đặc tính sinh trưởng của cây sâm, năm 2017, Pờ Và Hừ quyết định nhân rộng diện tích trồng sâm và làm bài bản hơn. Đến nay, gia đình Pờ Và Hừ đã có khoảng 2ha sâm Lai Châu. Chỉ tính riêng thu nhập từ bán cây, hạt sâm giống ra thị trường của gia đình Pờ Và Hừ đã trên 100 triệu đồng. Khoảng vài năm nữa khi những vườn sâm của gia đình anh cho thu hoạch củ, thì thu nhập của gia đình sẽ rất lớn.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh đã tuyên truyền, động viên bà con tham gia để nhân rộng mô hình. Hiện nay, toàn bản Sín Chải B đã có trên 80% các hộ dân tham gia trồng sâm theo mô hình của Pờ Và Hừ. Tỷ lệ hộ nghèo của bản Sín Chải B giảm từ 990% năm 2017 đến nay xuống còn dưới 50%. Bản Sín Chải B nhiều năm trở lại đây, luôn là lá cờ đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình.

Dọc theo tuyến biên giới Mường Tè, từ sự đồng hành của bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cuộc sống của bà con người La Hủ đã bước sang trang mới. Người La Hủ nay đã biết làm ruộng nước, biết nuôi làm ăn phát triển kinh tế. Con em người La Hủ cũng được quan tâm học hành...

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Tè, 100% xã vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống đều có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã được sử dụng điện lưới Quốc gia và các nguồn điện khác; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 92,86% xã có nhà văn hóa xã; 76,6% bản, khu phố có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Bình quân giai đoạn 2016-2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm.

Trong giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào La Hủ nói riêng và đồng bào các dân tộc của huyện Mường Tè sẽ có sự khởi sắc. 

Đặc biệt, gần 3 năm qua triển khai thực hiện Dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” (Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025) sẽ giúp nhóm dân ít người của Lai Châu trong đó có đồng bào dân tộc La Hủ được đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế… tạo động lực cho người dân phát triển về mọi mặt.

Người La Hủ nay đã biết làm ruộng nước, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Người La Hủ nay đã biết làm ruộng nước, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Theo ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, năm 2023 triển khai thực hiện tiểu Dự án 9, Mường Tè được giao 53.486 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư là 22.552 triệu đồng, kinh phí sự nghiệp là 30.934 triệu đồng. Hiện nay, dự án đã đầu tư được 20.045 triệu đồng, ước giải ngân đến ngày 31/01/2024 là 40.857 triệu đồng.

Từ các chương trình, đề án, chính sách được Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, vật chất, tinh thần, là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc La Hủ, giúp đồng bào từng bước vươn lên làm giàu.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.